Chế độ ăn ngừa loãng xương ở người cao tuổi

Xin bác sĩ tư vấn về chế độ ăn để đảm bảo sức khỏe và phòng ngừa bệnh này? Xin cảm ơn.

Phạm Thị Thanh Giang (thanhgiang@gmail.com)

Khi đã có tuổi, hàm răng bị hư hỏng, lung lay, thậm chí rụng dần, cơ nhai bị teo làm ảnh hưởng đến việc cắn nghiền thức ăn ở miệng. Trương lực dạ dày giảm, sức co bóp yếu, dịch nước bọt, dịch vị và các men tiêu hóa khác giảm cả về số lượng và chất... Đó là những yếu tố làm cho người già ăn kém ngon miệng, tiêu hóa hấp thu giảm. Mặt khác do hoạt động thể lực giảm, tiêu hao năng lượng cho chuyển hóa cơ bản giảm nên nhu cầu dinh dưỡng cũng giảm theo. Vì vậy, chế độ ăn ở người cao tuổi cần chú ý những điểm chính sau đây: Giảm lượng ăn vào: Ở người trên 70 tuổi chỉ cần năng lượng bằng 2/3 so với khi còn trẻ. Cần chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, tạo không khí thoải mái, khi ăn cần ăn chậm nhai kỹ thức ăn. Nên tăng các thức ăn thực vật: vừng, lạc, đậu đỗ, rau xanh và quả chín, giảm lượng thịt thay bằng cá. Chế biến các món hấp luộc thay bằng món rán nướng. Nên thay đổi thực đơn thường xuyên, tránh đơn điệu, chú ý các món ăn mềm, thái nhỏ hầm nhừ... Không ăn quá no nhất là về buổi tối vì khi nằm dạ dày căng to đẩy cơ hoành lên chèn ép cản trở hoạt động của tim. Còn loãng xương là một rối loạn chuyển hóa do nhiều yếu tố trong đó có dinh dưỡng. Do vậy để phòng loãng xương người cao tuổi cần ăn những thức ăn giàu canxi như trứng, cá, sữa, tôm, cua, đậu đỗ...; tăng cường thể dục vận động cơ thể ngoài trời. Nếu loãng xương gây đau nhức nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe thì cần khám xem có cần dùng thuốc không.

BS. Trần Quang Nhật

Dinh dưỡng cho người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: Những điều cần tránh

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính còn gọi là COPD là một trong những bệnh gây tàn phế và có tỉ lệ tử vong cao. Ở bệnh nhân COPD, đặc biệt là các bệnh nhân giai đoạn bệnh nặng thường có tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu hụt các vitamin và các nguyên tố vi lượng. Có tới 70% số bệnh nhân COPD có biểu hiện thiếu hụt dinh dưỡng ở các mức độ khác nhau. Hậu quả của suy dinh dưỡng ở người bệnh tất yếu dẫn tới suy giảm khả năng miễn dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhiễm khuẩn phát triển và dẫn tới các đợt cấp của bệnh, làm bệnh tiến triển nhanh và nặng. Dưới đây là những lời khuyên về chế độ ăn uống lành mạnh khi bị COPD.

Ưu tiên sử dụng đạm và chất béo cho bệnh nhân

Thông thường ở bệnh nhân COPD tiêu tốn năng lượng cho quá trình hô hấp gấp 5-10 lần người bình thường. Vì vậy, nhu cầu năng lượng tối thiểu hằng ngày cho các bệnh nhân COPD là 30 kcalo/kg trọng lượng cơ thể. Năng lượng được cung cấp chủ yếu từ 3 nguồn: chất bột, đạm và chất béo, cụ thể: chất bột 50%, đạm 15%, chất béo 35%.

Người bệnh COPD nên hạn chế ăn mặn.

Người bệnh COPD nên hạn chế ăn mặn.

Ưu tiên sử dụng đạm và chất béo cho bệnh nhân: Vì việc sử dụng nhiều tinh bột có thể làm tăng CO2 trong máu (bởi các bệnh nhân vốn đã tăng mạn tính CO2 trong máu). Sử dụng các chất béo có lợi cho bệnh nhân hơn bởi ngoài việc hạn chế làm tăng CO2 trong máu còn cung cấp năng lượng cao hơn. Tuy nhiên, nên sử dụng các loại chất béo có nguồn gốc từ cá, dầu thực vật, hạn chế các chất béo có nguồn gốc từ các loại gia cầm (gà, vịt...), các loại động vật có vú (lợn, bò...), các loại nội tạng động vật… Đối với các chất béo có chứa cholesterol (như trứng, phủ tạng, mỡ động vật...) không nên dùng quá 300mg/ngày.

Tăng cường bổ sung các loại vitamin, các yếu tố vi lượng: Ăn các loại rau, củ, quả, đặc biệt thực phẩm có chứa nhiều vitamin A ,C, E (các vitamin này có tác dụng giảm các gốc ôxy hóa do khói thuốc lá và quá trình viêm mạn tính của bệnh tạo ra). Ăn nhiều hoa quả tươi, rau xanh không chỉ tăng cường các yếu tố dinh dưỡng mà còn góp phần giúp quá trình tiêu hóa tốt hơn, hạn chế hấp thu cholesterol, hạn chế táo bón ở bệnh nhân COPD. Trung bình bệnh nhân COPD cần lượng xơ 25-35mg/ngày (từ rau, củ, quả). Một số nghiên cứu gần đây trên thế giới cho thấy, ăn súp lơ xanh rất có lợi cho bệnh nhân COPD bởi súp lơ xanh có chất sulforapane hạn chế suy yếu gen NRF2 (Nuclear factor E2-related factor-2) - gene có tác dụng bảo vệ các tế bào phổi không bị tổn thương do khói, hóa chất độc hại gây nên.

Chú ý bổ sung lượng nước trong ngày: Điều này rất quan trọng với người COPD để hạn chế táo bón, giúp làm loãng đờm, tạo điều kiện cho ho khạc đờm dễ dàng (trung bình khoảng 2 - 3 lít/ngày). Có thể sử dụng các loại nước hoa quả vừa để bổ sung nước, đồng thời bổ sung dinh dưỡng. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân đã có biến chứng tâm phế mạn thì cần bổ sung nước vào cơ thể theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Chia nhỏ bữa ăn: Tránh ăn quá no có thể gây khó thở (ăn khoảng 5-6 bữa/ngày). Thực phẩm nên được chế biến nhừ để dễ nhai, tránh để phải gắng sức khi ăn. Nên ăn từng miếng nhỏ, nhai chậm, kỹ. Trong khi ăn vẫn có thể cho bệnh nhân thở ôxy kết hợp. Nên ngồi thẳng lưng khi ăn để hạn chế áp lực từ ổ bụng ép lên cơ hoành gây khó thở.

Những điều cần tránhNgười bệnh cần hạn chế lượng muối ăn vào, nhất là khi đã có tâm phế mạn (có suy tim) bởi lượng muối cao sẽ góp phần gây giữ nước trong cơ thể và làm tăng gánh nặng cho tim. Dùng các loại thảo dược có hàm lượng muối thấp để làm gia vị thay thế và không nên ăn các thực phẩm có nhiều muối (đồ hộp, đồ biển, đồ khô, các thực phẩm muối sẵn…).Hạn chế các loại thực phẩm, đồ uống có nhiều gas cũng như những đồ ăn dễ gây sinh hơi, đầy bụng vì làm tăng thể tích dạ dày gây khó thở cho bệnh nhân. Không nên uống nước trước hoặc trong bữa ăn.

PGS.TS. Tạ Bá Thắng

10 món hấp dẫn, tốt cho sức khỏe từ cá bông lau

Cá bông lau là thực phẩm rất tốt cho phụ nữ có thai và nuôi con bú, người già sa sút trí não, tiểu đường, tim mạch huyết áp, sinh lý yếu, chứng mệt mỏi, gầy sút, khí huyết hư dùng đều tốt... Sau đây là một số món ăn bài thuốc dược thiện có tác dụng trị bệnh:

1. Canh chua cá bông lau: cá bông lau, dứa, cà chua, dọc mùng, giá đậu, rau đắng, rau ngổ, hành lá, ớt, gia vị vừa đủ nấu canh ăn. Công dụng: bổ hư, dưỡng khí huyết... Trị chứng ngoại cảm, nội thương, mới ốm dậy mệt mỏi, ăn kém, gầy sút, người cao tuổi sa sút trí tuệ, gầy sút.Cá bông lau.

Cá bông lau.

2. Canh cá bông lau nấu đậu rồng: cá bông lau, đậu rồng, cà chua, rau ngổ, mùi tàu, giá đậu, hoa chuối, dứa, me, hành, tiêu, ớt gia vị vừa đủ nấu canh ăn. Công dụng: bổ khí huyết, dưỡng trí não... Món này rất thích hợp cho người già suy nhược mệt mỏi khó lên cân, trẻ em còi cọc, cho phụ nữ có thai, các chứng khí huyết hư.

3. Cá bông lau kho nghệ: cá bông lau, thịt giò heo, nghệ, hành, tiêu, đường, dầu ăn gia vị vừa đủ kho ăn. Công dụng: kiện tỳ thông bổ khí huyết… Thích hợp với sản phụ sau sinh thiếu sữa, tỳ vị hư ăn kém, mệt mỏi gầy sút, khí huyết hư.

4. Lẩu cá bông lau: cá bông lau, xương heo, giá đậu, bông súng, rau đắng, đậu bắp, bạc hà, cà chua, dứa, me, ớt, rau ngổ, mùi tàu, gia vị vừa đủ nấu lẩu ăn. Công dụng: bổ khí huyết, ích tỳ thận… Chữa chứng ăn ngủ kém mệt mỏi, nam nữ sinh lý yếu, lao động mệt nhọc ăn không ngon.

5. Cá bông lau kho rau răm: cá bông lau, rau răm, thịt ba chỉ, hành lá, tỏi, tiêu, muối, đường, mắm, gia vị vừa đủ kho ăn. Công dụng: kiện tỳ hóa thấp, thêm khí huyết… Trị chứng tỳ hư ăn kém, suy nhược, phụ nữ sau sinh nuôi con ít sữa, người già mệt mỏi khó lên cân do thiếu đạm.

Canh chua cá bông lau

Canh chua cá bông lau bổ hư, dưỡng khí huyết...

6. Cá bông lau nấu rau cần: cá bông lau, cà chua, rau cần, thì là, rau ngổ, mùi tàu, gia vị vừa đủ nấu canh nhúng rau diếp ăn nóng. Công dụng: bổ khí dưỡng huyết, sinh tân dịch… Trị chứng thiếu máu ở người già, trí nhớ giảm, gầy sút khó lên cân, ngăn ngừa tim mạch huyết áp...

7. Cá bông lau om chuối đậu: cá bông lau, chuối xanh, đậu phụ, thịt chân giò lợn, lá lốt, tía tô, nghệ, tiêu, ớt, gia vị vừa đủ nấu ăn. Công dụng: bổ khí, dưỡng huyết, sinh tân… Trị chứng âm huyết hư, miệng khô khát, tiểu đường gầy ốm sụt cân.

8. Cá bông lau rau nhút: cá bông lau, cà chua bi, rau nhút, rau ngổ, khế, sả, ớt, gia vị vừa đủ nấu canh ăn. Công dụng: bổ hư, mát huyết sinh tân… Thích hợp cho người mắc chứng huyết hư thiểu năng tuần hoàn não, ù tai, miệng khô khát, phong thấp nhức mỏi, mụn nhọt, lở ngứa.

9. Cá bông lau om dưa chua: cá bông lau, dưa muối chua, cà chua, hành, tiêu, ớt gia vị vừa đủ om ăn. Công dụng: kiện tỳ, thanh nhiệt, sinh tân, bổ khí huyết… Trị chứng can huyết hư, ăn kém, váng đầu hoa mắt, miệng khô, gầy sút.

10. Canh chua cá bông lau Nam bộ: cá bông lau, thơm, me, cà chua, dọc mùng, ớt, gia vị vừa đủ nấu canh nhúng giá sống ăn. Công dụng: bổ khí huyết, thanh hỏa ngũ tạng... Trị chứng ngoại cảm nội thương người mệt mỏi, ăn không ngon, hiếm muộn, gầy sút, khí huyết hư.

DS. NGUYỄN VĂN NAM

Rau quả tốt cho sức khỏe mùa thu

Mặt khác, đây là mùa có nhiều bệnh lây truyền qua đường hô hấp phát triển mạnh. Do vậy, việc ăn uống đầy đủ, cung cấp vitamin cần thiết trong mùa thu rất cần được chú ý để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

Tăng cường các loại rau xanh

Các loại rau xanh là nguồn thực phẩm bổ dưỡng chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ... nên vừa có lợi cho sức khỏe, vừa giúp phòng chống bệnh tật. Trong các loại rau thì súp lơ có hàm lượng vitamin các loại phong phú, cứ mỗi 200g súp lơ tươi có thể cung cấp trên 75% vitamin A cần thiết cho cơ thể hoạt động trong một ngày ở người trưởng thành. Đặc biệt, lượng vitamin C dồi dào trong súp lơ nhiều hơn gấp 4-5 lần bắp cải, giá đỗ,  cứ khoảng 100g súp lơ chứa khoảng 80mg vitamin C.

Rau quả tốt cho sức khỏe mùa thu

Rau xanh và sung rất tốt cho sức khỏe mùa thu.

Ngoài ra, rau chân vịt thuộc loại rau có giá trị dinh dưỡng rất cao, chứa nhiều đường, hàm lượng caroten trong rau chân vịt cao hơn rất nhiều so với những loại rau xanh khác, axit ascorbic tuy ít hơn ớt nhưng lại cao hơn cà chua, phần lá của loại rau này chứa nhiều vitamin K - có tác dụng cầm máu rất tốt. Do đó, rau chân vịt có tác dụng trị chứng viêm loét ở miệng, khô môi, viêm lưỡi, viêm da do thời tiết mùa thu thay đổi thất thường và quá khô hanh gây ra. Do đó, nên thường xuyên chế biến loại thực phẩm này trong thực đơn mùa thu rất có lợi cho sức khỏe.

Hoa quả cần thiết

Mùa thu là thời điểm bắt đầu vào mùa cam. Đây là trái cây lý tưởng vì cam giàu vitamin C nhất sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch và ngăn ngừa các bệnh lây nhiễm, đồng thời vitamin C trong cam giúp cho xương cứng chắc, chống đau họng, giảm nguy cơ mắc bệnh hen suyễn, ngăn chặn bệnh đục nhân mắt...

Ở miền núi, quả sung chứa rất nhiều chất xơ nên giúp tiêu hóa tốt. Mặt khác, nó còn giàu canxi nên giúp bạn chắc xương. Ngoài ra, quả sung cũng có ít calo nên bạn ăn nhiều mà không sợ béo. Chính vì vậy, trong thực đơn mùa thu nên thường xuyên ăn sung.

Quả lê cũng là trái cây giàu chất xơ, hầu hết chất xơ trong lê đều có thể hòa tan nên có thể giúp hạ thấp nồng độ cholesterol trong máu và giúp kiểm soát lượng đường huyết. Ngoài ra, tùy theo sở thích của mỗi người mà chúng ta có thể thay đổi thực đơn khi mùa thu về. Nhưng nên chọn các loại rau, củ, quả có tính hàn, lạnh để đảm bảo cho sức khỏe.

Bác sĩ Đình Toán

6 lợi ích không ngờ của quả na với sức khỏe

1. Tốt cho mắt

Theo The Health Site, na là nguồn cung cấp vitamin C, A dồi dào có khả năng cải thiện thị lực. Bên cạnh đó, na cũng rất giàu riboflavin, vitamin B2 khi đi vào cơ thể có tác dụng chống lại sự hình thành các gốc tự do, ngăn ngừa các vấn đề về mắt, giúp bạn có được đôi mắt sáng, tinh anh.

2. Cải thiện tiêu hóa

Đồng và chất xơ của na hỗ trợ hệ tiêu hóa khỏe mạnh, tăng cường chức năng hoạt động. Sự có mặt của chất xơ giúp việc bài tiết thức ăn nhanh hơn, ngăn ngừa chứng khó tiêu và giảm táo bón hiệu quả.

3. Tốt cho da, răng

Nhờ có hàm lượng vitamin A cao, na là trái cây giúp cân bằng độ ẩm và ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa cho da. Ngoài ra, thịt na mềm là phương thuốc tự nhiên để điều trị nhọt, mụn hay vết loét trên da rất hiệu quả. Đối với vỏ na, bạn có thể dùng để chữa bệnh sâu răng, ngăn ngừa viêm nướu.

4. Duy trì trái tim khỏe mạnh

Hàm lượng magiê và kali trong na có tác dụng bảo vệ hệ thống tim mạch, thư giãn cơ bắp và kiểm soát huyết áp ổn định. Niacin, vitamin B6 và chất xơ cũng có tác dụng ngăn ngừa các cơn đau tim, giảm lượng cholesterol xấu trong cơ thể.

5. Ngăn ngừa mệt mỏi

Na có thể cung cấp các dưỡng chất nhanh chóng chống lại kiệt sức và suy nhược. Hàm lượng kali trong quả na ngăn ngừa cơ bắp suy yếu và mệt mỏi bằng cách cải thiện quá trình cung cấp máu.

6. Tốt cho phụ nữ mang thai

Na là thực phẩm tốt cho các bà bầu vì nó giúp kiểm soát tâm trạng, ngăn ngừa ốm nghén và tê toàn cơ thể. Thường xuyên tiêu thụ trái cây này trong thai kỳ cũng rất có lợi cho việc sản xuất sữa mẹ, giảm nguy cơ sảy thai và sinh non. Na cũng thúc đẩy quá trình phát triển não bộ, hệ thần kinh và hệ miễn dịch của thai nhi.

Mai Hoa

5 sai lầm khi làm sinh tố trái cây khiến bạn tăng cân

Cũng giống như nhiều hiểu lầm về việc giảm cân, sinh tố cũng có rất nhiều hiểu lầm. Bất cứ ai cũng có thể mua hoặc tự làm cho mình một cốc sinh tố, nhưng nếu bạn muốn làm cho mình một loại sinh tố giảm cân, bạn cần biết được sinh tố thực sự giúp giảm cân như thế nào và tránh được những sai lầm phổ biến khi làm sinh tố dưới đây

Sai lầm số 1: Nghĩ rằng tất cả trái cây và rau củ đều ít calo

Nhiều người cho rằng, việc uống nước sinh tố kết hợp nhiều loại trái cây và rau củ với nhau sẽ làm bạn tiêu thụ ít calo hơn, so với việc ăn một bữa ăn thông thường, chứa nhiều carbohydrate. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại sinh tố đều có chứa lượng calo thấp. Có một số loại nước sinh tố, thậm chí còn chứa nhiều calo hơn một bữa ăn toàn đồ ăn nhanh, và vì vậy bạn đang tiêu thụ nhiều calo hơn bạn nghĩ, và sẽ “phản tác dụng”.

Bạn cũng nên nhớ rằng, có những trái cây chứa rất nhiều đường tự nhiên, và chúng cũng có tác dụng như đường nhân tạo. Do vậy, nếu bạn mua sinh tố, bạn hãy đảm bảo rằng loại sinh tố bạn mua chứa ít calo, ít đường. Nếu bạn tự làm sinh tố, hãy chỉ nên dùng một hoặc hai loại trái cây, rau củ với nhau để giữ lượng calo thấp.

Sai lầm số 2: Không cho thêm protein

Như đã nói ở trên, sinh tố có thể sẽ giúp bạn tiêu thụ ít calo hơn so với bữa ăn thông thường. Nhưng cùng lúc đó, bạn phải bù lại năng lượng mất đi do sinh tố mang lại để bạn không cảm thấy đói và sẽ ăn nhiều hơn vào lần ăn sau. Vì lý do này, protein là một phần rất quan trọng của bất cứ loại sinh tố nào.

Giá trị của bữa ăn low-carb (ít đường bột) và nhiều protein đã được chứng minh và do vậy, protein là một phần vô cùng quan trọng trong kế hoạch giảm cân vì protein giúp bạn cảm thấy no hơn và giữ mức năng lượng của bạn luôn cao.

Giảm cân, về cơ bản, là việc ăn ít calo hơn trong khi “đánh lừa” cơ thể rằng bạn đã no, và protein là “chìa khóa” để bạn có thể làm được việc này. Tuy nhiên, việc thêm protein vào sinh tố không có nghĩa là bạn sẽ thêm vài miếng thịt vào món sinh tố của mình. Lựa chọn tốt để thêm protein vào món sinh tố của bạn là các loại hạt, tào phớ, hoặc bột protein nếu bạn thích đơn giản. Sữa cũng là một sự lựa chọn không tồi, mặc dù bạn nên tránh dùng sữa hạnh nhân vì loại sữa này chứa rất ít protein.

Sai lầm số 3: Không cho thêm chất xơ

Protein không phải là thứ duy nhất giúp bạn cảm thấy no trong suốt cả ngày. Chất xơ cũng rất có ích. Một nghiên cứu chỉ ra rằng, chỉ với việc tăng thêm 30 gam chất xơ tiêu thụ hằng ngày, bạn cũng có thể giảm cân một cách hiệu quả, giảm được lượng chất béo bão hòa đúng như hướng dẫn về dinh dưỡng của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ. Các nguồn cung cấp chất xơ phổ biến là các rau có lá xanh đậm, như cải xoăn cùng với trái cây họ dâu...

Sai lầm số 4: Dùng các chất tạo ngọt

Sau 3 sai lầm trên, bạn đã nhận ra và làm được món sinh tố của mình với một vài loại trái cây, rau có lá màu xanh và thêm vào một chút sữa? Nhưng bạn cảm thấy món sinh tố của mình vẫn chưa có hương vị như bạn mong muốn? Vậy là bạn thêm vào đó một chút mật ong hay chút đường để món sinh tố ngon hơn và nghĩ rằng, việc này sẽ chẳng ảnh hưởng gì đến lợi ích mà món sinh tố đem lại cho bạn? Nhưng, chẳng có lý do gì để bạn thêm cácchất tạo ngọt vào món sinh tố cả, đặc biệt là khi bản thân trái cây đã có vị ngọt rồi.

Thêm đường vào sinh tố chỉ làm món sinh tố của bạn giảm bớt giá trị dinh dưỡng và có thêm nhiều calo hơn mà thôi. Và việc này chắc chắn sẽ làm hỏng kế hoạch giảm cân của bạn. Việc thêm chất tạo ngọt vào món sinh tố đặc biệt sẽ làm việc giảm mỡ bụng và mỡ ở các vùng khác trở nên khó khăn hơn.

Nếu bạn thực sự không thể dung nạp được hương vị tự nhiên của món sinh tố rau quả, có rất nhiều biện pháp thay thế cho chất tạo ngọt mà vẫn có thể làm tăng hương vị cho món sinh tố của bạn như quế, muối hoặc nước chanh.

Sai lầm số 5: Làm ly sinh tố quá lớn

Nói về giảm cân, chúng ta có thể sẽ nói về tất cả những loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe và có lợi cho việc giảm cân, nhưng sự thật là, việc cơ bản nhất bạn cần làm là ăn ít đi. Lý thuyết này cũng nên được áp dụng cho món sinh tố. Vì sinh tố là một thứ đồ uống ở dạng lỏng, nên rất có khả năng là bạn sẽ uống quá nhiều sinh tố, và kết quả là, bạn chả giảm được cân nào cả.

Đừng cho tất cả những thành phần bạn thích vào món sinh tố và cố gắng làm món sinh tố của bạn hơi đặc một chút, thay vì loãng (vì sinh tố loãng rất dễ uống và bạn có thể sẽ uống nhiều hơn mức cần thiết).

Một món sinh tố tốt cho sức khỏe là món sinh tố không chứa nhiều hơn 300 calo và bạn nên cố gắng làm ít sinh tố hơn mức bình thường bạn có thể làm.

Liên Hương - Viện Y học Ứng dụng Việt Nam

Vài mẹo dùng lò vi sóng giúp giảm thời gian đứng bếp của bạn

Lò vi sóng không chỉ có chức năng làm nóng đồ ăn, rã đông và đun chảy thức ăn mà còn có thể giúp bạn cắt giảm một nửa thời gian làm bếp.

Dưới đây là danh sách 10 mẹo dùng lò vi sóng khiến cho việc nấu nướng của bạn dễ dàng hơn.

1. Nước ép

Muốn một cốc nước cam hoặc chanh tươi, nhưng lại không có máy ép tại nhà? Trước khi vắt chúng vào cốc, hãy thử mẹo vi sóng này: Cho quả chanh hoặc cam vào quay khoảng 10 giây sẽ giúp việc vắt chúng lấy nước trở nên dễ dàng hơn. Lò vi sóng có tác dụng làm mềm các thớ xơ của các loại quả, khiến bạn không phải cố sức để vắt mà vẫn thu được nhiều nước cốt và nhanh hơn.

2. Tạo bọt sữa cho món cappuccino và latte

Không cần phải tốn tiền mua máy pha cappuccino, mẹo vi sóng này có thể khiến bạn thuận tiện trong việc tạo bọt khi bạn muốn thưởng thức một cốc cappuccino hoặc latte. Chỉ cần lắc vài phút để tạo bọt và quay vi sóng thêm 30 giây, bọt trong cốc sẽ nhanh chóng nhiều hơn, nhưng bạn phải nhớ mở nắp.

3. Bóc vỏ tỏi

Lần tới, khi bạn cần bóc nhiều tỏi, hãy quay tỏi trong lò 10 – 15 giây, tùy theo độ lớn của củ tỏi. Hơi nóng sẽ rút ẩm trong các nhánh tỏi và vì thế lớp vỏ sẽ tách rời ngay lập tức.

4. Dưa chuột

Nếu mục đích của bạn là bóc vỏ dưa chuột, hoặc bạn chỉ muốn thái lát chúng nhanh hơn, quay chúng trong 2 – 3 phút ở chế độ thấp. Để nguội vài giây rồi bóc vỏ hoặc thái lát. Bạn có thể dùng mẹo này với bí ngô và cà rốt cũng rất tốt.

5. Hành tây

Bạn không còn lo chảy nước mắt khi bóc loại củ này. Quay hành 30 giây trước khi cắt. Để nguội vài giây và thái …..

6. Đậu

Thông thường, để chế biến món đậu ta phải ngâm qua đêm. Đã xưa rồi. Bạn chỉ cần vo sạch đậu, sau đó cho vào bát tô, thêm nước lã và quay 15 phút ở nhiệt độ cao. Để đậu nghỉ 1 tiếng và nấu như bình thường.

7. Mật ong

Trước khi vứt bỏ lọ mật ong đã bị kết tinh, hãy thử áp dụng mẹo này. Quay mật ong trong 40 giây (hoặc hơn nếu bạn có lọ to) đến khi mật ong lỏng và mượt nhuyễn. Mật ong kết tinh vẫn tốt cho sức khỏe và ăn được.

Có rất nhiều loại thực phẩm bạn có thể quay vi sóng để giảm thời gian nấu nướng của mình. Trên đây là một số mẹo tiêu biểu bạn có thể áp dụng hàng ngày. Nếu bạn có những mẹo dùng lò vi sóng khác, hãy cho chia sẻ cho mọi người.

Video Hướng dẫn chế biến thức ăn với lò vi sóng hiệu quả. Nguồn: Youtube

Mai Hương/HVQY

(theo Amerikanka)

Sinh tố và nước ép hoa quả, bạn chọn thứ nào?

Nước ép hoa quả và sinh tố đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng, nhưng điều quan trọng nhất mà bạn cần lưu tâm ở đây đó là nhu cầu và mục tiêu của bạn.

Để giúp cho sự lựa chọn của bạn dễ dàng hơn, dưới đây là một bản tóm lược về lợi ích và tác hại của từng loại thức uống kể trên.

Sinh tố

Ưu điểm

Sinh tố, về cơ bản, là một tổ hợp xay nhuyễn thực phẩm. Bạn có thể làm những cốc sinh tố hết sức đơn giản như xoài hay dưa hấu, hoặc có thể thử với những món phức tạp hơn như sinh tố dừa kết hợp với dâu tây và sữa chua Hy Lạp chẳng hạn.

Lợi ích đầu tiên của sinh tố, đó chính là vì nó ở dạng xay nhuyễn nên nó vẫn giữ được những chất dinh dưỡng từ trái cây và rau quả mà bạn đưa vào.

Quan trọng hơn, bạn hoàn toàn có thể đưa vào món sinh tố của mình nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng khác nhau. Ví dụ như, bạn có thể nâng cao hàm lượng protein bằng cách thêm vào sữa chua hay một loại bột.

Bạn cũng có thể kết hợp thêm các loại chất béo lành mạnh như quả bơ, hạt chia hoặc bơ hạnh nhân, hay xay thêm các siêu thực phẩm để tang hàm lượng dinh dưỡng như gừng, bột trà xanh hoặc bột cacao, lá bạc hà và quế. Sinh tố là một loại đồ uống có cân bằng dinh dưỡng rất tốt và hoàn toàn có thể thay thế một bữa ăn hằng ngày của bạn.

Nhược điểm

Một trong những nhược điểm lớn nhất của sinh tố là rất có thể bạn sẽ hấp thụ một lượng trái cây và rau quả lớn hơn lượng mà bạn thường ăn. Mọi người thường nghĩ rằng ăn nhiều hoa quả hay rau là tốt, nhưng thực ra, điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ đưa vào cơ thể nhiều calo hơn bạn có thể đốt cháy – bạn sẽ không giảm cân mà thậm chí còn có thể tăng cân nữa! Một trong những trường hợp điển hình mà việc này có thể xảy ra là khi bạn uống sinh tố cùng với bữa ăn chứ không phải thay cho một bữa ăn, tức là một lúc bạn đã ăn đến hai bữa.

Nước ép hoa quả

Ưu điểm

Nước ép hoa quả là một lựa chọn tuyệt vời cho những người không có điều kiện hay thời gian để ăn đủ rau xanh hay trái cây để đảm bảo đủ dinh dưỡng. Đây cũng là một giải pháp thay thế tốt cho những người không thích ăn rau quả trực tiếp. Đặc biệt, bởi vì nước ép có hàm lượng dinh dưỡng cao, chỉ một cốc nhỏ cũng đủ để cung cấp một lượng dưỡng chất tương đương với vài phần hoa quả và rau củ, vừa tiết kiệm thời gian, lại vừa dễ dàng.

Nhược điểm

Nước ép hoa quả thường chỉ lấy các chất dinh dưỡng quan trọng và bỏ đi chất xơ, gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của bạn. Hơn thế, đường huyết của bạn có thể tăng đột ngột nếu bạn uống nước ép được làm từ các loại rau hoặc trái cây nhiều đường (như củ cải đường hoặc cà rốt) và không ăn thêm thức ăn gì khác.

Khi nước ép của bạn chứa nhiều hoa quả hơn rau củ, điều đó đồng nghĩa với việc bạn đang đưa vào cơ thể mình nhiều tinh bột hơn là bạn nghĩ. Tinh bột từ trái cây, dù tốt hơn tinh bột từ ngũ cốc đã qua xử lí, vẫn sẽ gây hại cho cơ thể bạn nếu bị hấp thụ quá nhiều và đặc biệt dễ khiến bạn tăng cân nữa. Vậy nên, nếu bạn uống nước ép để bù lại phần rau quả mà bạn thiếu, bạn cần phải lưu ý về những chất có trong đồ uống của bạn và bạn đang uống bao nhiêu.

Như vậy, nước ép hay sinh tố đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Nếu bạn có một lịch làm việc bận rộn và không có đủ thời gian để đảm bảo dưỡng chất cho cơ thể, nước ép là lựa chọn tuyệt vời cho bạn. Còn nếu bạn là người thích thử nghiệm trong bếp và thích sự pha trộn của nhiều loại thực phẩm khác nhau chứ không chỉ dừng lại ở rau quả thì bạn hãy chọn sinh tố.

Chi Mai - Viện Y học ứng dụng Việt Nam

Ăn nhiều thức ăn nhanh: nhanh mắc bệnh

Trong những năm gần đây, thị trường thức ăn nhanh ở Việt Nam đã phát triển một cách nóng và nhanh chóng. Ngoài những tiện ích của thức ăn nhanh mang lại, thói quen ăn uống thức ăn nhanh hàng ngày cũng tiềm ẩn một số ảnh hưởng tiêu cực lên sức khỏe người tiêu thụ.

Ảnh hưởng xấu lên hệ thống chuyển hóa và tim mạch

Hầu hết thức ăn nhanh và thức uống có chứa nhiều carbohydrate nhưng lại ít chất xơ và nghèo chất dinh dưỡng. Hiệp hội Tim Mạch Hoa Kỳ đề nghị chỉ ăn 100-150 calo từ đường thêm vào mỗi ngày, tương đương 6-9 muỗng cà phê/ngày. Một lon soda 12 ounces có chứa 8 muỗng cà phê đường, tương đương 130 calo hoặc 39 gram đường. Chất béo chuyển hóa được tạo ra trong quá trình chế biến thực phẩm, thường được tìm thấy trong: bánh chiên; bánh ngọt; bánh pizza; bánh quy giòn. Ăn thực phẩm có chứa nhiều chất béo chuyển hóa có thể làm tăng cholesterol LDL (cholesterol xấu), giảm cholesterol HDL (cholesterol tốt) và tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường týp 2 và bệnh tim mạch.

Cung cấp nhiều natri (muối)

Sự kết hợp của chất béo, đường và rất nhiều natri (muối) có thể làm thức ăn nhanh hấp dẫn hơn đối với người dùng. Nhưng chế độ ăn giàu natri có thể dẫn đến việc giữ nước, đó là lý do tại sao bạn có thể cảm thấy sưng húp một số vùng của cơ thể sau khi ăn thức ăn nhanh. Chế độ ăn giàu natri cũng nguy hiểm đối với những người có tình trạng tăng huyết áp. Natri có thể làm tăng huyết áp và gây căng thẳng lên tim và hệ thống tim mạch. Theo một nghiên cứu, khoảng 90% người lớn không ước tính được lượng natri trong bữa ăn nhanh. Cuộc nghiên cứu khảo sát 993 người trưởng thành và phát hiện ra rằng những người tham gia nghiên cứu đoán lượng natri ăn vào thấp hơn 6 lần so với con số natri thực tế (1.292 miligam). Điều này có nghĩa là ước tính của natri đã giảm hơn 1.000mg. Trong khi khuyến cáo của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, người lớn ăn không quá 2.300mg natri mỗi ngày. Một bữa ăn nhanh có thể đã cung cấp một lượng natri đủ cho nửa ngày của bạn.

Ăn nhiều thức ăn nhanh: nhanh mắc bệnhThức ăn nhanh có chứa nhiều chất béo chuyển hóa có thể làm tăng cholesterol xấu, giảm cholesterol tốt, nếu dùng thường xuyên có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường týp 2 và bệnh tim mạch.

Hệ thống hô hấp bị tác động nặng nề

Khối lượng dư thừa từ thức ăn nhanh có thể gây tăng cân. Điều này có thể dẫn đến chứng béo phì làm tăng nguy cơ mắc các chứng bệnh hô hấp, bao gồm hen suyễn và khó thở. Thừa cân và béo phì có thể gây áp lực lên tim, phổi và các bộ phận khác của cơ thể; điều đó có thể nhận thấy qua dấu hiệu khó thở khi đi bộ, leo cầu thang hoặc tập thể dục. Đối với trẻ em, nguy cơ các vấn đề hô hấp là đặc biệt rõ ràng. Một nghiên cứu nhận thấy rằng trẻ em ăn thức ăn nhanh ít nhất 3 lần một tuần thường có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn.

Ảnh hưởng xấu lên hệ thống thần kinh trung ương

Thức ăn nhanh có thể đáp ứng chống đói trong ngắn hạn, nhưng kết quả lâu dài lại ít tích cực. Những người ăn thức ăn nhanh và bánh ngọt chế biến có nguy cơ trầm cảm cao hơn 51% so với những người không ăn hoặc ăn rất ít những thực phẩm thức ăn nhanh và bánh ngọt chế biến.

Đe dọa đến khả năng sinh sản

Các thành phần trong thức ăn vặt và đồ ăn nhanh có thể có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Một nghiên cứu cho thấy thực phẩm chế biến sẵn chứa chất phthalates. Phthalates là các hóa chất có thể làm cản trở hoạt động của hormon trong cơ thể. Tiếp xúc với nồng độ cao của các hóa chất này có thể dẫn đến các vấn đề rối loạn sinh sản, bao gồm cả các dị tật bẩm sinh thai nhi.

Tác động tiêu cực lên hệ thống da, tóc, móng

Trước đây, thực phẩm sôcôla và dầu mỡ như bánh pizza đã bị đổ lỗi là nguyên nhân gây ra mụn trứng cá, nhưng đó chính là do carbohydrate. Các loại thực phẩm có nhiều carbohydrate làm tăng lượng đường trong máu và là yếu tố dễ làm hình thành mụn trứng cá. Trẻ em và thanh thiếu niên ăn thức ăn nhanh ít nhất 3 lần một tuần cũng có xu hướng phát triển bệnh chàm bội nhiễm.

Ảnh hưởng xấu hệ xương khớp

Các carbohydrate và đường trong thức ăn nhanh và thực phẩm chế biến có thể làm tăng nồng độ axit trong miệng của bạn. Những axit này có thể phá vỡ men răng. Khi men răng biến mất, vi khuẩn có thể xâm nhập và sâu răng có thể phát triển. Béo phì cũng có thể dẫn đến các biến chứng liên quan mật độ xương và khối cơ. Những người béo phì có nguy cơ cao bị ngã và gãy xương. Điều quan trọng là phải thường xuyên tập thể dục để xây dựng cơ bắp, hỗ trợ xương và duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh để giảm thiểu mất xương.

BS. Thanh Hoài

Sự thật trứng ung có tác dụng như Viagra ?

Theo ông, thực chất trứng ung là gì ? Thành phần của trứng ung gồm những chất gì ?

Trứng ung là loại trứng cho vào ấp nhưng không nở thành con do không được thụ tinh, hoặc bị hỏng trong quá trình ấp do ảnh hưởng của nhiệt độ, môi trường.

Bình thường trứng có ranh giới rõ ràng giữa lòng đỏ và lòng trắng, lòng đỏ ở giữa lòng trắng. Khi trứng bị ung thì ranh giới bị phá vỡ, màu sắc và mùi vị thay đổi theo diễn biến thời gian (màu vàng của lòng đỏ biến màu, mùi tanh đặc trưng biến thành thối do protein biến chất).

Trứng là một thực phẩm giàu chất dinh dưỡng (protetid, lipid, vitamin và kháng chất), nhưng thực phẩm càng giàu chất dinh dưỡng rất dễ bị ôi thiu, dễ bị phân hủy, dễ sinh ra các chất gây ngộ độc và ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Khi protein bị phân hủy sẽ tạo thành sulfur hydro (H2S) mùi trứng thối.

Khi trứng bị ung thì không còn chất dinh dưỡng vì protein đã bị tiêu hủy. Bên cạnh đó, vỏ trứng không còn tác dụng bảo vệ nên có nhiều vi khuẩn dễ dàng xâm nhập, bao gồm cả các ký sinh trùng và vi khuẩn thương hàn, sinh ra nhiều độc tố rất nguy hiểm cho cơ thể. Ngoài các sản phẩm chính tạo metan, còn có các sản phẩm NH3, H2S, indol, scatol,...gây mùi thối.

Trứng ung là sản phẩm phế phẩm, không có tác dụng với sức khỏe.

Người ăn trứng ung lâu ngày có ảnh hưởng như thế nào đến sức khoẻ, thưa bác sĩ ?

Người ăn trứng ung có thể không biểu hiện gì, là do ăn trứng mới ung (Protein chưa bị biến chất, tức là giai đoạn chương), hoặc do ăn ít vì vậy chưa bị ngộ độc thực phẩm, độc tố trong thực phẩm chưa đủ liều gây bệnh. Nếu sử dụng trứng ung lâu sẽ ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe xét theo góc độ an toàn thực phẩm.

Khí H2S (hiđro sunfua) là khí không màu, mùi trứng thối, H2S dễ bay hơi hơn so với nước. Khí H2S ít tan trong nước ( S H2S ( 200c, 1at) = 0,38 g/ 100 g nước). Khí H2S rất độc, chỉ cần 0,05 mg H2S trong 1 lít không khí đã gây ngộ độc, chóng mặt, nhức đầu thậm chí chết nếu thở lâu trong H2S.

Trong tự nhiên H2S có trong một số nước suối, trong khí núi lửa, khí thoát ra từ các chất protein bị thối rữa.

Thưa bác sĩ, ông hãy xác minh đồn đoán về công dụng kì diệu của trứng ung đối với sức khoẻ (bồi bổ cơ thể, chữa đau đầu,...) ?

Những điều đồn đoán và tư duy sử dụng theo đám đông không có cơ sở khoa học. Cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào chứng minh trứng ung có tác dụng như Vigra, bồi bổ cơ thể, chưa đau đầu. Ăn trứng ung tức là chúng ta đã ăn thực phẩm có chứa protein bị ôi thiu, protein đang trong quá trình phân hủy (mùi trứng thối), thực phẩm không an toàn với sức khỏe.

Để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, theo tôi không nên sử dụng trứng đã ung. Để đảm bảo sức khỏe hãy nói “không” với thực phẩm không an toàn.

Quang Sáu

15 Món ăn cho người tiểu đường

Cá diếc nướng tẩm trà rất tốt cho người bệnh đái tháo đường.

Cháo bột sắn: bột sắn 30g, gạo tẻ 50g. Gạo tẻ ngâm nước 1 đêm vo rửa sạch nấu thành cháo đặc, cho bột sắn hòa với nước, cho vào cùng cháo. Dùng cho bệnh nhân tăng huyết áp, bệnh mạch vành, đái tháo đường týp II, tiêu chảy mạn tính, khát nước miệng họng khô.

Cháo ý dĩ: ý dĩ nấu cháo, cho ăn thường ngày. Dùng cho các bệnh nhân đái tháo đường khát nhiều, uống nhiều.

Giá đỗ xào: giá đỗ xanh 500g đem xào với dầu thực vật, chút muối và gia vị, ăn trong các bữa ăn. Dùng cho bệnh nhân đái tháo đường, khát nước uống nhiều, gầy yếu suy kiệt.

Khổ qua xào thịt nạc: cách làm tương tự, thay đậu phụ bằng thịt lợn nạc. Thực đơn này dùng cho các trường hợp chảy máu cam, đái tháo đường, đau mắt đỏ...

Khổ qua xào thịt nạc

Cá diếc nướng tẩm trà: cá diếc 1 con; bỏ ruột không róc vảy, dùng lá chè bánh tẻ tươi bọc kín cá, lấy giấy bản hoặc giấy bạc gói lại, lùi nướng chín trong than trấu hoặc than củi. Dùng cho bệnh nhân đái tháo đường.

Canh lá sen cá trạch: cá trạch 200g, lá sen tươi bánh tẻ 100g, thêm gia vị nấu canh. Dùng cho các trường hợp đái tháo đường, khát, uống nhiều; hoặc dùng cho các trường hợp đái tháo nhạt trong bệnh lý nội tiết.

Tụy lợn hầm củ mài: củ mài 60g, tụy lợn 1 cái. Củ mài, tụy lợn cùng thái lát, hầm nhừ, thêm muối gia vị ăn. Dùng cho bệnh nhân đái tháo đường.

Canh thịt dê, đậu hũ: phổi dê 1 lá, thịt dê 80g, đậu phụ 80g, muối, nước. Phổi dê và thịt dê rửa sạch thái lát, thêm nước và gia vị, nấu thành dạng canh thịt. Cũng dùng cho bệnh nhân đái nhiều.

Vịt hầm sa sâm ngọc trúc: vịt 1 con, sa sâm 50g, ngọc trúc 50g. Vịt làm sạch, cho cùng sa sâm, ngọc trúc, thêm nước hầm chín, bỏ bã thuốc, thêm gia vị. Dùng cho các trường hợp âm hư miệng khô khát nước, táo bón, bệnh đái tháo đường.

Cá chép hầm đậu đỏ: cá chép 1 con (khoảng 500g), xích tiểu đậu 50g, trần bì 6g, ớt đỏ 6g, thảo quả 6g. Cá chép làm sạch, cho xích tiểu đậu, trần bì, ớt đỏ, thảo quả vào trong bụng cá, thêm gừng, hành, muối, tiêu và đổ nước; nấu trong khoảng 1 giờ, cho thêm hành thái lát, rau tươi tùy ý, đun sôi, thêm nước dùng, gia vị, cho ăn khi còn nóng. Dùng cho các trường hợp phù nề vàng da, tiểu dắt buốt, bệnh đái tháo đường.

Bồ câu hầm hoài sơn ngọc trúc: bồ câu 1 con, hoài sơn 30g, ngọc trúc 30g. Bồ câu làm sạch, cho cả hoài sơn, ngọc trúc vào xoong, thêm gia vị, nước sạch, hầm nhừ. Dùng cho các trường hợp đái tháo đường, khát nước uống nhiều, mệt mỏi, hồi hộp thở gấp.

Canh trai rau hẹ

Canh trai rau hẹ: sò trai 150g, rau hẹ 60-120g, thêm nước, gia vị nấu canh ăn. Dùng cho các trường hợp lao phổi suy nhược, ho khan ít đờm, mồ hôi trộm, bệnh đái tháo đường.

Trai sò luộc: sò biển (kể cả sò huyết) luộc chín, ăn với ớt, tiêu, gia vị, dùng hằng ngày. Tác dụng bổ âm, thanh nhiệt, lợi tiểu tán kết. Dùng cho các trường hợp vàng da phù nề, sưng hạch, bướu cổ, khí hư, huyết trắng, bệnh đái tháo đường.

Nước bột đậu xanh: đậu xanh 200g, cho thêm nước, nấu chín nhừ, lọc qua vải xô lấy nước cho uống sáng tối, mỗi lần 1 chén. Dùng cho bệnh nhân đái tháo đường.

Nước sắc khổ qua: khổ qua 1-2 quả, tách bỏ ruột, thái lát, nấu sắc lấy nước cho uống. Dùng cho các trường hợp đái tháo đường, sốt cao mất nước, miệng khô, họng khát.

BS. Tiểu Lan


Những thực phẩm nên kiêng đối với người yếu sinh lý

Với quan điểm "dược thực đồng nguyên", việc sử dụng đồ ăn thức uống nào đó đều phải tuân thủ nguyên tắc "biện chứng luận trị", nghĩa là phải căn cứ vào đặc điểm thể chất và tình trạng bệnh tật cụ thể của mỗi người mà trọng dụng hoặc kiêng kị các loại thực phẩm cho thích đáng. Bài viết này xin được tư vấn những đồ ăn thức uống mà người bị yếu sinh lý cần hạn chế sử dụng hoặc kiêng kị hoàn toàn.

Với thể thận dương hư

- Chứng trạng: sợ lạnh, dễ bị cảm, dễ vã mồ hôi, tay chân lạnh, da mặt trắng nhợt, lưng đau gối mỏi, tiểu tiện trong, hay đi tiểu về đêm hoặc đi không hết bãi phải đứng lâu, có thể có phù thũng, liệt dương, di hoạt tinh, miệng nhạt, chất lưỡi nhợt, mạch trầm tế...

- Nên kiêng: các đồ ăn thức uống có tính lạnh như thịt trâu, cua, ốc, trai, hến, ngao, dưa hấu, dưa chuột, bí đao, mướp, khổ qua, rau đay, mùng tơi, rau cần, rau rút, măng, rong biển, đậu phụ, đậu xanh, giá đỗ, cà rốt, mã thầy, củ đậu, nấm kim châm, táo tây, lê, chuối tiêu, trà hoa cúc, trà bát bảo...

Thực phẩm kiêng kỵ với người yếu sinh lý

Người yếu sinh lý thể thận âm hư kiêng ăn thịt chó

Với thể thận âm hư

- Chứng trạng: người gầy, có cảm giác nóng trong, ngực bụng buồn bực không yên, lòng bàn tay và bàn chân nóng, đổ mồ hôi trộm, ngủ kém hay mê, miệng khô họng khát, lưng đau gối mỏi, thích uống nước mát, di tinh, liệt dương, chất lưỡi đỏ khô, ít hoặc không có rêu, mạch tế sác...

- Nên kiêng: các đồ ăn thức uống có tính cay nóng như thịt dê, thịt chó, ớt, hạt tiêu, quế, hồi, sa tế, sa nhân, rau hẹ, hành tây, tỏi, lạc rang, nhãn, vải, nhục dung, toả dương, nhân sâm, nhung hươu, rượu, thuốc lá...

Với thể tâm tỳ lưỡng hư

- Chứng trạng: sắc mặt vàng úa, mệt mỏi, có cảm giác khó thở, hoa mắt chóng mặt, hồi hộp trống ngực, hay quên, ngủ kém, hay mê mộng, chán ăn, đầy bụng, chậm tiêu, đại tiện lỏng nát, có thể có hiện tượng xuất huyết dưới da, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch tế nhược...

- Nên kiêng: các đồ ăn thức uống như củ cải, hành tây, kinh giới, sa nhân, sơn tra, quế, hồi, gừng tươi, hạt tiêu, mã thầy, trà đặc, thuốc lá...

Với thể can khí uất kết

- Chứng trạng: tinh thần luôn bị ức chế, ngực bụng đầy tức hoặc đau nhói, tức nặng hạ sườn phải, hay thở dài, dễ cáu gắt, liệt dương, di mộng tinh, đại tiện táo lỏng thất thường, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch huyền...

- Nên kiêng: các đồ ăn thức uống như thịt mỡ, cơm nếp, mật ong, đại táo, long nhãn, nhân sâm, hoàng kỳ, hoàng tinh, trà đặc, bia rượu, cà phê...

Với thể can kinh thấp nhiệt

- Chứng trạng: vàng da, vàng mắt, ngực sườn đau tức, đầy trướng, khó chịu, ăn kém, miệng đắng, hoa mắt chóng mặt, tai ù tai điếc, tiểu tiện sẻn đỏ, đại tiện như đi kiết, rêu lưỡi dày nhờn, mạch hoạt sác...

- Nên kiêng: các đồ ăn thức uống như thịt vịt, thịt đầu lợn, thịt mỡ, thịt chó, thịt dê, đồ uống quá ngọt, long nhãn, long vải, ớt, hạt tiêu, hồi hương, đinh hương, thuốc lá, rượu, dấm quá chua, kim anh tử, khiếm thực, hạt sen...

Với thể tâm thận bất giao

- Chứng trạng: tinh thần bồn chồn không yên, mất ngủ, hay mê mộng, di mộng hoạt tinh, lưng đau gối mỏi, hay có cảm giác sốt nóng về chiều, vã mồ hôi trộm, tai ù tai điếc, hay hồi hộp trống ngực, miệng khô họng khát, đi tiểu đêm nhiều lần, môi đỏ, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít hoặc không có rêu, mạch tế sác...

- Nên kiêng: các đồ ăn thức uống có tính cay nóng như ớt, hạt tiêu, dấm quá chua, đại hồi, nhục quế, đinh hương, hành tây, thịt chim sẻ, thịt dê, thịt chó, trà đặc, rượu trắng, thuốc lá...

Ngoài ra, theo kinh nghiệm dân gian, những người suy yếu sinh lý không nên ăn nhiều rau răm, đậu tương và các chế phẩm từ đậu tương.

ThS. Hoàng Khánh Toàn

Ăn gì để vòng 1 thêm căng tràn?Ăn gì để vòng 1 thêm căng tràn?Đông y trị xích bạch đớiĐông y trị xích bạch đớiTử uy, thuốc quý của chị emTử uy, thuốc quý của chị em

Dinh dưỡng ngày vui xuân

Thạc sĩ dinh dưỡng Trương Nhật Khuê Tường - Khoa Dinh dưỡng Tiết chế Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã tư vấn dinh dưỡng dịp LỄ Tết phù hợp với từng đối tượng.

Ảnh minh họa

Đối với thai phụ

Giờ giấc sinh hoạt vào các lễ ngày tết có thể bị ảnh hưởng bởi các cuộc vui, viếng thăm và tiệc tùng khiến đồng hồ sinh học bị xáo trộn ít nhiều. Thai phụ hãy cố gắng duy trì giờ giấc sinh hoạt, ăn đúng giờ, đúng bữa, ăn uống khoa học để giúp bé phát triển an toàn, khỏe mạnh. Nhiều thai phụ nhân những ngày nghỉ sẽ tranh thủ dung nạp nhiều thực phẩm hơn ngày thường vì nghĩ rằng phải ăn cho cả mẹ lẫn con. Thực tế, thai nhi chỉ cần hấp thụ vừa đủ để phát triển. Việc ăn quá nhiều so với mức cần thiết sẽ gây ra những tác dụng phụ khác như béo phì, huyết áp cao, đái tháo đường thai kỳ... Bên cạnh đó, thai phụ cần cân nhắc kỹ lưỡng trướckhi sử dụng các nhóm thực phẩm dưới đây:

Rượu bia và các thức uống có cồn: thai phụ tuyệt đối không được sử dụng, vì việc uống rượu bia, thức uống có cồn trong giai đoạn mang thai rất nguy hiểm cho cả mẹ và bé, làm tăng nguy cơ sảy thai, dị tật thai, thai kém phát triển.

Các món ăn chế biến từ thịt, cá sống như nem chua, tré, tiết canh, các loại gỏi nộm, cá thịt chín tái, các loại sushi có cá sống nên hạn chế sử dụng vì hệ miễn dịch của thai phụ thường kém hơn người bình thường nên rất dễ bị nhiễm khuẩn gây tiêu chảy.

Các món ngâm muối chua như: đu đủ xanh, củ kiệu, củ hành… cũng cần được hạn chế nếu thai phụ thường bị đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa.

Các loại thực phẩm chế biến sẵn và các món nhiều dầu mỡ như: lạp xưởng, thịt đông, giò thủ, bánh chưng… nên ăn vừa phải, vì có thể làm gia tăng chứng ốm nghén, nôn ói hay gây cảm giác khó tiêu.

Các loại bánh kẹo, trái cây sấy khô, mứt trái cây… thai phụ nên sử dụng những loại có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh.

Các loại hạt khô như: hạt bí, hạt óc chó, hạt dẻ, hạt dưa… giàu axít béo thiết yếu và đạm thực vật nên rất tốt cho sức khỏe phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, cần tránh các loại hạt có tẩm màu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thai phụ chỉ nên dùng tay hoặc dụng cụ để tách hạt, không nên dùng miệng cắn.

Các loại nước ngọt có gas: những thức uống này chứa nhiều đường, có thể làm tăng đường huyết.

Để đảm bảo sức khỏe trong dịp lễ tết, trước tiên thai phụ cần đảm bảo ăn bữa chính đúng giờ, mỗi bữa ăn cần có giá trị dinh dưỡng cao và đa dạng nhóm thực phẩm (tinh bột, đạm và rau củ). Bên cạnh đó, bà mẹ mang thai hãy uống nhiều nước lọc và hạn chế các loại nước có đường, bổ sung trái cây tươi để cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất.

Đối với người đang giảm cân

Phụ nữ hay nam giới đang trong giai đoạn giảm cân đều cần tuân thủ những nguyên tắc sinh hoạt nhất định. Nếu không, khả năng bạn tăng cân trở lại vào những ngày lễ tết là hoàn toàn có thể. Điều đó không có nghĩa bạn sẽ tuyệt đối ăn kiêng trong dịp này.Việc đảm bảo đầy đủ các chất dinh dưỡng trong bữa ăn là cần thiết và lượng calori vẫn nênđược nạp vào cơ thể trong mức nhất định. Bạn vẫn có thể nhâm nhi các món truyền thống nhưng vẫn phải tuân theo chế độ ăn thường ngày. Đặc biệt, người đang giảm cân hãy lưu ý sử dụng vừa phải các món ăn chứa năng lượng cao như bánh chưng, bánh tét, thịt đông, giò thủ cũng như các loại bia rượu, nước giải khát có đường. Thay vào đó, bạn hãy ăn nhiều rau củ, salad, trái cây tươi và uống nước lọc vì đây là nhóm thực phẩm tương đối ít năng lượng, lại giàu vitamin và khoáng chất. Trong những ngày lễ tết, tuy các phòng gym không mở cửa nhưng bạn vẫn có thể hoàn toàn tập luyện ở nhà. Chỉ cần 30 phút mỗi ngày với các bài tập không cần dụng cụ như squat, hít đất, đá chéo chân, plank, gập bụng… Bạn cũng có thể sáng tạo tập luyện với cầu thang, băng ghế hay đơn giản chỉ là chạy vòng quanh khu nhà đang ở.

Đối với trẻ em

Những ngày lễ tết với nhiều hoạt động vui chơi kèm theo có thể khiến giờ giấc sinh hoạt của các bé bị thay đổi. Nhiều trẻ ham chơi nên thức khuya, dậy muộn, bỏ bữa hoặc chỉ ăn uống qua loa sẽ khiến trẻ thiếu chất, sụt cân. Vào dịp lễ tết, các gia đình thường dự trữ nhiều thực phẩm, trong đó phải kể đến các loại bánh kẹo, đồ ngọt. Cho trẻ ăn quá nhiều chất ngọt sẽ khiến bé chán ăn, không cảm thấy đói và hứng thú với bữa ăn chính. Bên cạnh đó, hệ tiêu hóa của trẻ thường yếu hơn người lớn, thức ăn thừa hâm đi hâm lại nhiều lần hay để quá lâu ở nhiệt độ phòng cũng có thể làm cho bé bị rối loạn tiêu hóa, nôn ói, đau bụng, tiêu chảy. Các món ăn ngày lễ tết thường ít rau, nhiều chất đạm và mỡ, cộng với giờ giấc sinh hoạt bị xáo trộn sẽ gây ra táo bón ở trẻ nhỏ.

Việc duy trì chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý rất quan trọng đối với trẻ. Trước tiên, phụ huynh hãy đảm bảo giờ giấc sinh hoạt và ăn uống của trẻ không bị xáo trộn nhiều. Tuyệt đối không nên để trẻ quên giấc, thức quá khuya hoặc ngủ đến trưa. Hãy duy trì cho trẻ ăn đúng giờ và không bỏ bữa, nên bổ sung rau củ, trái cây tươi, nước lọc, men tiêu hóa cho trẻ trong những ngày này. Phụ huynh nên lưu ý không cho trẻ ăn nhiều bánh kẹo và chất ngọt, cũng như để những thực phẩm này xa tầm mắt của trẻ. Các loại thực phẩm chiên rán, nhiều dầu mỡ, chất béo cũng cần được hạn chế. Các loại đậu, hạt khô như đậu phộng, hạt điều, hạt hướng dương, hạt bí… cũng là một lựa chọn tốt cho trẻ.

Đối với người cao tuổi

Người cao tuổi thường mắc các bệnh cao huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, tiêu hóa… vì vậy chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt của người cao tuổi rất cần được chú ý, để bệnh không trở nặng sau những ngày vui lễ tết. Điều quan trọng nhất là người cao tuổi cần ăn uống đúng giờ, đủ chất và tuyệt đối không bỏ bữa. Người cao tuổi nên hạn chế các món chứa nhiều mỡ động vật và chất béo no (đồ nguội, thịt đông, lạp xưởng, bánh chưng, bánh tét…), hạn chế ăn muối và các món nhiều muối (các loại thịt ngâm, dưa muối, dưa món…), cũng như các loại bánh kẹo, đồ ngọt. Hệ tiêu hóa của người cao tuổi cũng dễ bị ảnh hưởng nếu ăn quá nhiều, quá no. Vì vậy, người cao tuổi có thể chia thành nhiều bữa nhỏ thay vì ăn 3 bữa chính, ưu tiên những thức ăn mềm, dễ nhai, dễ tiêu,và bổ sung rau giúp việc tiêu hóa dễ dàng hơnkhi ăn. Người cao tuổi lưu ý nên ăn chậm, nhai kỹ cũng như uống đủ 1,5 - 2l nước mỗi ngày (bao gồm nước lọc, nước canh, nước trái cây…).

Dinh dưỡng ngày vui xuânNgười cao tuổi cần ăn uống đúng giờ, đủ chất và tuyệt đối không bỏ bữa

Người cao tuổi cũng có thói quen tiết kiệm những thực phẩm dư thừa, không dùng hết trong ngày lễ tết nên đem đi cất vào tủ lạnh, sau đó lại lấy ra hâm lại và ăn tiếp, thậm chí việc hâm thức ăn diễn ra nhiều lần. ThS. Khuê Tường cảnh báo việc hâm đi hâm lại thức ăn thừa không an toàn cho sức khỏe, dễ gây ngộ độc. Thực phẩm rất dễ mất chất, biến chất khi bị nấu quá lâu, nấu đi nấu lại nhiều lần.

Lời khuyên của thầy thuốcBảo quản thực phẩm đúng cách vào dịp lễ tết:- Thực phẩm khi cất vào tủ lạnh nên được chia thành những phần vừa đủ 1 lần ăn, phải được đựng trong hộp có nắp hoặc bọc thực phẩm, khi lấy ra nên đun nóng lại ngay và sử dụng hết phần thực phẩm đó.- Không cho thức ăn còn nóng vào tủ lạnh vì sẽ làm cho nhiệt độ tủ lạnh tăng cao, ảnh hưởng đến các thức ăn xung quanh.- Sau khi nấu chín, các thực phẩm dễ hỏng như thịt, gia cầm, cá, trứng, đậu cần làm nguội nhanh và không để ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ. - Khi hâm nóng thức ăn, hãy đảm bảo thức ăn thừa được đun sôi. Nếu hâm bằng lò vi sóng, hãy đảo trộn thức ăn lúc hâm để nhiệt độ được phân bổ đều. Sau khi hết thời gian hâm, đừng vội lấy ra ngay, hãy để chúng trong lò khoảng 3 phút rồi mới lấy.

ThS. TRƯƠNG NHẬT KHUÊ TƯỜNG